Huyền thoại Golf 86 tuổi Arnold Palmer

8 năm trước

Huyền thoại 86 tuổi đang là chủ của giải đấu Arnold Palmer Invitational có tổng giải thưởng hơn 6 triệu đô, giả sẽ diễn ra ở Florida trong tuần này. Giải đấu mang tên ông là sự kiện golf chính thức của PGA Tour, và chỉ dành cho những golf thủ được mời đích danh tới tham gia thi đấu.

Arnold palmer

Từ 17/3 đến 20/3, giải có sự góp mặt của Rory McIlroy (số hai thế giới), Bubba Watson (số bốn), Jason Day (số ba), cùng một loạt các golf thủ đáng chú ý khác của làng golf nhà nghề như Justin Rose (số bảy thế giới) và Henrik Stenson (số tám)… Sau những cú đánh cuối cùng ở Bay Hill Club and Lodge, Florida, vào chủ nhật 20/3, golf thủ vô địch sẽ giành phần thưởng 1.134.000 đôla, trong tổng giá trị giải thưởng 6.300.000 đôla.

“Arnold Palmer Invitational” là giải đấu truyền thống hằng năm của PGA Tour suốt từ 1979, diễn ra ở Bay Hill Club and Lodge – sân golf do Arnold Palmer sở hữu từ năm 1974, tại Bay Hill, gần Orlando, Florida (Mỹ). Một sự kiện golf đẳng cấp thế giới diễn ra ngay ở trung tâm của một trong những thành phố đông khách du lịch nhất thế giới.

Giới chuyên môn và truyền thông quốc tế đánh giá Arnold Palmer là người đóng góp nhiều nhất để giúp golf nhà nghề tăng sức quyến rũ và ngày càng phổ biến như hiện nay. Ông là người có công lớn đưa golf đến với đông đảo công chúng, và tới ngày nay vẫn là một trong những golf thủ được yêu mến nhất mọi thời đại.

Ông từ lâu đã được thừa nhận là một trong những golf thủ vĩ đại của lịch sử golf nhà nghề. Nhưng biệt danh “The King” gắn với ông còn vì cả nguyên nhân khác. Ông chính là siêu sao đầu tiên của kỷ nguyên truyền hình thể thao, bắt đầu vào những năm 1950.

Arnold palmer

Tiger Woods là một trong những vận động viên giỏi nhất và nổi tiếng nhất của thế giới thể thao trong hai thập kỷ qua, chứ không chỉ riêng môn golf. Nhưng tầm ảnh hưởng của golf thủ giành 14 danh hiệu major này có lẽ không thể rực rỡ ở phạm vị toàn cầu như thời gian qua, nếu không có nền tảng vững chắc của môn golf mà Palmer đã góp công lớn tạo dựng trước đó.

Trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1964, Arnold Palmer giành bảy chức vô địch giải major, và cuốn hút thêm nhiều khán giả truyền hình cho môn golf. Những người xem golf thời đó đã yêu mến “Arnie”, và cả phong cách theo kiểu “trái tim lộ rõ trên tay áo” của ông.

Ông chiếm được cảm tình của đông đảo người hâm mộ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, bởi vì thời đó Palmer tiếp tục thoải mái di chuyển tới Anh quốc để dư giải The Open, trong khi nhiều golf thủ nhà nghề Mỹ cùng thế hệ hồi đó cảm thấy giải major lâu đời nhất này khá bất tiện. Với hành động đó, ông được coi là người hùng của làng golf. Thời gian đó, The Open như có thêm sức sống mới nhờ quyết định góp mặt của Palmer. Phần thưởng cho sự bền chí đáng ngưỡng mộ của ông là hai danh hiệu vô địch liên tiếp vào năm 1961 và 1962.

Đặc biệt, giải đấu năm 1962 thu hút lượng khán giả tới sân đông nhất trong lịch sử The Open (còn gọi là British Open), và nhờ thế đã mãi mãi giúp sự kiện golf này tái thiết lập vị thế quan trọng trong hệ thống bốn giải majors.

Ngay khi Palmer sắp hết thời đỉnh cao sự nghiệp, golf thủ kém mười tuổi Jack Nicklaus nổi lên và giành ngôi vị số một thế giới. “Gấu Vàng” về sau trở thành golf thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, với tất cả 18 danh hiệu major, nhưng chừng đó cũng không thể làm phai nhạt danh tiếng của đàn anh Palmer.

Cho đến tận ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, các bạn vẫn có thể gọi một ly cocktail ‘Arnold Palmer’, và người pha đồ uống sẽ biết cách chế trà đá với nước chanh theo đúng công thức thời Palmer còn là ngôi sao trên sân golf. Palmer từng có thói quen uống hai thứ đó tại nhà. Vào năm 1960, khi tham gia giải  US Open, ông yêu cầu đồ uống không cồn đó tại một quán bar. Một phụ nữ ngồi gần đó nghe thấy, và đã gọi “cho tôi thứ mà Palmer uống”. “Arnold Palmer” có cồn, tức thêm chút vodka thì được gọi là “John Daly” (Daly là golf thủ Mỹ 49 tuổi đã giành hai major, nhưng thường bị chế nhạo vì nghiện rượu).

Thậm chí đã ở tuổi 86, ông vẫn đứng thứ năm trong danh sách các golf thủ kiếm nhiều tiền nhất trong sự nghiệp. Theo số liệu mới nhất trên tạp chí Golf Digest, thu nhập 40 triệu đôla của Palmer hồi năm ngoái chỉ thua Jordan Spieth, Phil Mickelson, Tiger Woods và Rory McIlroy.

Palmer luôn là một đại sứ tràn đầy năng lượng cho sự kiện Arnold Palmer Invitational cho tới thời gian gần đây, khi luôn xuất hiện trên sân đấu, tại khu nghỉ của các golf thủ và cả khu vực truyền thông. Nhưng ở giải lần này, ông nhiều khả năng sẽ ít hiện diện hơn vì sức khỏe.

Tầm vóc của một nhân vật vĩ đại trong làng golf như Palmer luôn giúp sân golf ở Bay Hill thu hút lượng khán giả lớn và những ngôi sao đương đại mỗi khi tổ chức giải mời.

Arnold palmer

McIlroy từng cho biết anh lựa chọn chơi giải này lần đầu tiên hồi năm ngoái không phải vì tiền thưởng hay điểm xếp hạng, mà chủ yếu để tôn vinh những đóng góp của Palmer cho sự phát triển của golf. Golf thủ Bắc Ireland trở lại với giải đấu tuần này để hoàn tất chuẩn bị cho Masters – giải major đầu tiên của năm diễn ra vào tháng tới.

Golf thủ Australia, Adam Scott, cũng góp mặt với hy vọng trở thành người đầu tiên đoạt ba danh hiệu PGA Tour liên tiếp, kể từ sau thời Tiger Woods thắng một mạch năm giải ở giai đoạn 2007-2008. Cách đây hai năm, Scott dẫn đầu trong ba vòng trước khi đánh không tốt vòng cuối và để danh hiệu vào tay Matt Every. Golf thủ Mỹ này bảo vệ thành công danh hiệu 12 tháng sau đó.

Nhưng chưa có ai thành công hơn Tiger Woods tại Arnold Palmer Invitational. Nhưng tuần này, chủ nhân của tám chức vô địch giải này năm thứ ba liên tiếp phải bỏ lỡ cuộc chơi vì chấn thương chưa bình phục hoàn toàn.

Tiger không thể dự giải, nhưng Invitational của Palmer vẫn sẽ được phát sóng trên truyền hình Mỹ và nhiều kênh quốc tế. Điều này không chỉ vì sự nổi tiếng của Palmer, mà chủ yếu là do có sự tham gia của Golf Channel – hệ thống kênh truyền hình về golf nổi tiếng của Đài truyền hình Mỹ NBCSN, được phát sóng tới nhiều nơi trên thế giới trong đó có châu Á.

Palmer là người đồng sáng lập ra Golf Channel vào năm 1995, và hiện tại kênh này có trong hợp đồng thuê bao của 80 triệu hộ gia đình Mỹ.

Thành tích cao nhất của Palmer ở các giải major (Vô địch: 7)

Masters Tournament Vô địch: 1958, 1960, 1962,1964

U.S. Open Vô địch: 1960

The Open Championship Vô địch: 1961, 1962

PGA Championship Vị trí thứ hai: 1964, 1968, 1970

 

Theo báo thể thao vnexpress

Print Friendly, PDF & Email

TIN LIÊN QUAN

Thêm sản phẩm vào giỏ hàng thành công