Không thể đi du lịch do đại dịch, giới trẻ giàu có ở Hàn Quốc chuyển sang tiêu tiền bằng cách chơi golf, mua sắm hàng hiệu và xe sang nhằm lấp thời gian trống.
Ngân hàng KB Kookmin Hàn Quốc ghi nhận doanh số bán hàng tại các sân golf trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thời điểm Hàn Quốc bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nhằm chống dịch. Đáng chú ý, đối tượng chi tiêu cho môn thể thao “nhà giàu” này là người trẻ ở độ tuổi 20-30 tăng mạnh.
Doanh thu từ các sản phẩm liên quan tới golf cũng tăng đáng kể. Cụ thể, lượng đơn đặt mua gậy golf từ khách hàng trẻ trên nền tảng thương mại điện tử Gmarket trong nửa đầu năm 2020 tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán ra của mặt hàng phụ kiện và quần áo chơi golf cho khách hàng trẻ cũng tăng lần lượt 29% và 22% so với năm 2019. Trong khi đó, doanh số bán hàng cho khách hàng trung niên chỉ tăng 13% trong cùng thời kỳ.
Ngoài việc đổ tiền chơi golf, giới trẻ Hàn Quốc cũng dành nhiều sự quan tâm tới lĩnh vực đồ hiệu và xe hơi nhập khẩu.
Cụ thể, có tổng cộng 243.440 xe nhập khẩu đã được bán tại Hàn Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô Hàn Quốc. Trong số 154.501 giao dịch mua cá nhân, khoảng 38%, tương đương 58.416 giao dịch, được mua bởi những người ở độ tuổi 20 và 30.
Doanh số bán hàng xa xỉ tại các trung tâm thương mại ở Hàn Quốc cũng tăng vọt, chủ yếu do giới trẻ dẫn đầu. Trong số tất cả những khách hàng mua hàng xa xỉ tại trung tâm thương mại Lotte, số người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 chiếm khoảng 38,2% vào năm 2018. Con số này đã tăng lên 41,4% vào năm 2019 và đạt khoảng 45% vào năm ngoái.
Nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng vung tiền của một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc thể hiện tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại nước này. Theo báo cáo do Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc công bố, hệ số Gini thể hiện khoảng cách thu nhập giữa nhóm đối tượng dưới 29 tuổi có xu hướng tăng mạnh.
Koo Jeong-woo, Giáo sư Xã hội học tại ĐH Sungkyunkwan, nhận định tình trạng cách biệt giàu nghèo ở giới trẻ nảy sinh do chênh lệch trình độ học vấn và thu nhập. “Chúng ta cần giải quyết vấn đề chênh lệch trình độ, thu nhập và tỷ lệ thất nghiệp cao của sinh viên đại học nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở thanh thiếu niên”, giáo sư Koo nói.
theo ngoisao.net