Tìm hiểu về những tay golf chuyên nghiệp đi dạy và làm việc ở các sân golf

9 năm trước

Trong số những tay golf chuyên nghiệp trên khắp thể giới, có không ít người hiện đang là những người dạy golf kiếm tiền, làm việc ở các sân golf, sân tập, các công ty hoạt động trong lĩnh vực golf. Vậy họ có gì khác biệt so với những tay golf thi đấu nhà nghề.

Thông thường, những tay golf chuyên nghiệp này sẽ là hội viên tại một hiệp hội golf chuyên nghiệp nào đó. Hiệp hội golf chuyên nghiệp càng uy tín, họ sẽ càng có cơ hội tìm được các công việc được trả lương hậu hĩnh. Đối với hình thức golf chuyên nghiệp này, công việc sẽ ổn định và ít áp lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không có nhiều người biết đến họ.

Tìm hiểu về những tay golf chuyên nghiệp đi dạy và làm việc ở các sân golf

Khác với những tay golf thi đấu nhà nghề, khi trình độ của họ được thể hiện qua các giải đấu có xếp hạng, các hệ thống tính điểm có uy tín trên thế giới như WGOR (World Golf Official Ranking), các tay golf chuyên nghiệp đi dạy hay làm việc ở các sân golf phải dựa vào 2 yếu tố quan trọng nhất để tạo nên uy tín: bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.

Bằng cấp quan trọng nhất đối với một tay golf chuyên nghiệp đó chính là tấm bằng PGA. Cũng giống như tấm bằng cử nhân của các trường đại học danh giá, hiệp hội golf càng uy tín, bằng PGA của họ lại càng được đánh giá cao. Hiện nay, trên thế giới, chúng ta có thể kể tên các quốc gia có bằng PGA hàng đầu như Mỹ, Úc, Anh. Để trở thành hội viên của các hiệp hội golf chuyên nghiệp này, họ đều phải tra qua các khoá học cơ bản về quản lý, kĩ thuật, huấn luyện, công nghệ.

Song song trong quá trình học là các bài kiểm tra về trình độ golf chuyên môn. Nếu không đạt chuẩn sẽ phải thi lại. Ví dụ, về chương trình đào tạo thành viên của hiệp hội golf chuyên nghiệp Úc. Để đạt chỉ tiêu xét tuyển đầu vào, các tay golf cần có handicap chính thức từ 3 trở xuống. Sau khi nộp đơn, họ sẽ phải trải qua các cuộc sát hạch về trình độ golf và buổi phỏng vấn trực tiếp bởi hội đồng chuyên môn. 

Có thể có đến 25% trên tổng số người nộp đơn không được duyệt trong cuộc sát hạch đầu vào. Tiếp sau đó, những người được duyệt sẽ phải trải qua 3 năm học tập, rèn luyện và làm việc như một tay golf chuyên nghiệp tại các sân golf, quá trình này được gọi là Traineeship. Xuyên suốt 3 năm đó, các tay golf Trainee sẽ vừa phải làm việc vừa tham gia các giải đấu dành cho Trainee và đạt kết quả trung bình không cao hơn over 4.75. Chính sự tôi luyện và đào tạo chỉn chu đã tạo nên uy tín cho các hiệp hội golf chuyên nghiệp nêu trên.

Kế đến, chúng ta có thể nhắc tới các hiệp hội golf chuyên nghiệp Nam Phi, Canada, và các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha.. Rồi cuối cùng là các hội golf chuyên nghiệp có tuổi đời non trẻ hơn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Tìm hiểu về những tay golf chuyên nghiệp đi dạy và làm việc ở các sân golf

Bổ trợ cho chiếc bằng PGA danh giá, các tay golf chuyên nghiệp có thể tìm kiếm thêm các bằng cấp chuyên môn hơn cho lĩnh vực mà họ tập trung. Vídụ, TPI Junior dành cho các huấn luyện viên chuyên dạy trẻ em, TPI Fitness dành cho huấn luyện viên chuyên sâu về thể lực hay PGA GMC cho các tay golf chuyên nghiệp quản lý các sân golf.

Yếu tố thứ hai nhưng không kém phần quan trọng góp phần xây dựng nên uy tín của một tay golf chuyên nghiệp đó là kinh nghiệm. Đối với những huấn luyện viên, chúng ta có thể đánh giá phần nào trình độ của họ qua thời gian giảng dạy tại các học viện danh tiếng hay đã có học trò là những tay golf thành danh. Trên bảng xếp hạng 100 huấn luyện viên hàng đầu nước Mỹ, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tên tuổi của 10 vị HLV hàng đầu luôn gắn liền với các tay golf kì cựu trên thế giới.

Còn đối với những tay golf chuyên nghiệp quản lý sân golf, các nhà tuyển trạch hoàn toàn có thể đánh giá trình độ của ứng cử viên thông qua CV và quá trình làm việc tại các sân golf trước đó.

Quay trở lại với Việt Nam, thực trạng golf chuyên nghiệp của nước ta vẫn còn sơ khai và hỗn loạn. Hiệp hội golf chuyên nghiệp chưa được thành lập, dẫn đến các tay golf chuyên nghiệp người Việt hành nghề hiện nay chủ yếu là tự phát, không được đào tạo bài bản, kiến thức không được cập nhật và phổ biến chi tiết. Người chơi golf nghiệp dư thường rơi vào trạng thái mông lung, không phân biệt được ai dạy giỏi ai kém, đâu là người được đào tạo đâu là không. 

 

Nguyễn Thái Dương / Vietnamgolfmagazine

Print Friendly, PDF & Email

TIN LIÊN QUAN

Thêm sản phẩm vào giỏ hàng thành công