Quan tâm, phát triển phong trào chơi golf dành cho golf thủ trẻ

9 năm trước

Nhìn vào Hàn Quốc, chúng ta thấy được những golf thủ tài năng của họ đều được nuôi dưỡng, đào tạo bài bản từ khi còn rất trẻ. Điều này cho thấy việc quan tâm, đầu tư đúng mực cũng như phát triển các phong trào golf trẻ là một ưu tiên lớn nếu muốn golf Việt Nam có thể vươn tới được đỉnh cao

phat_trien_phong_trao_golf_tre

Ngô Thế Hào (Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam)

Các giải đấu cho golf trẻ là hết sức cần thiết, qua các giải đấu các cháu sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Khoảng cách giữa golf Việt Nam so với các quốc trong khu vực và châu lục là rất lớn. Nếu muốn khẳng định được vị trí trong môn thể thao này, chúng ta cần quan tâm tới việc phát triển các thế hệ golf thủ trẻ.

Trên thực tế, trong số những thành tích tốt hiện nay của golf Việt Nam trên đấu trường quốc tế, hầu hết trong số đó đều thuộc về các thế hệ golf thủ trẻ. Qua các giải đấu hàng tháng và giải Vô địch Quốc gia hàng năm, các cháu được rèn luyện về tâm lý thi đấu, hiểu thêm về luật, phong cách ứng sử trên sân golf… Đặc biệt, những giải đấu này sẽ tạo động lực để các cháu nỗ lực tập luyện nhằm đạt thành tích tốt hơn ở mùa giải kế tiếp.

Để phát triển golf trẻ, bên cạnh những nỗ lực của Hiệp hội Golf Việt Nam và các gia đình có con em theo học golf, còn cần sự chung tay hỗ trợ của rất nhiều cá nhân, tổ chức như các Hội golf địa phương, sân golf, nhà tài trợ. Các giải đấu nói chung và giải cho golf trẻ đều phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ, nếu không có nhà tài trợ, sẽ rất khó để tổ chức giải. Ví dụ như giải hàng tháng cho các cháu ở 2 miền, với phí thi đấu là 1 triệu/cháu vào ngày cuối tuần, số tiền này chỉ đủ trả cho sân. Còn cúp, quà tặng, ăn trưa, tiệc trao giải… phải có các nhà tài trợ. Ở khu vực phía Nam, ngoài các nhà tài trợ thì chính phụ huynh của các cháu cũng ủng hộ phong trào rất mạnh mẽ, theo tôi cần phải công khai những khó khăn và định hướng phát triển cho các cháu, ban tổ chức sẽ nhận được nhiều đóng góp từ xã hội cũng như từ gia đình các cháu.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các sân golf về phí chơi golf cho các cháu trong điều kiện tốt nhất. Duy trì và phát triển giải hàng tháng cho các cháu ở cả 2 miền, hướng tới những giải đấu giao lưu trong cả nước. Sau đó, có thể sẽ thông báo và đăng ký các giải trẻ ở các quốc gia khác để các cháu có cơ hội tham dự và cọ sát với các golf thủ trẻ ở nước ngoài.

Nguyễn Huy Tiến (Trung tâm Huấn luyện & Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội)

Cách đây khoảng 5 – 6 năm ở khu vực phía Bắc, số lượng golf thủ trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Song tới thời điểm hiện tại, tôi ước tính có khoảng trên 100 golf thủ trẻ.

Cùng với sự phát triển của phong trào golf nói chung, sự ra đời của nhiều sân golf, học viện golf mới cùng sự quan tâm của các gia đình đối với môn golf. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới việc Ngành Thể dục Thể thao Hà Nội đã tạo điều kiện cho Trung tâm Huấn luyện &Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội có thể phát triển phong trào golf trẻ. Trong đó, có việc cho ra đời hệ thống giải golf trẻ (VGA Junior Tour) bao gồm các giải golf diễn ra hàng tháng thu hút từ 40 – 50 golf thủ trẻ tham gia. Ngoài ra, trong 2 năm qua, chúng tôi cũng tổ chức các lớp học golf miễn phí cho trẻ em vào mỗi dịp cuối tuần. 

Trung tình từ 1 – 2 tháng, chúng tôi lại mời các huấn luyện golf chuyên nghiệp từ Mỹ, Thái Lan sang Việt Nam để huấn luyện, cải thiện kỹ năng chơi của các cháu. Gần đây, ở miền Bắc đã xuất hiện thêm giải Van Tri Junior Golf Tournament, một sân chơi mới giành cho các golf thủ trẻ. Đây là một tín hiệu tốt, chứng tỏ các sân golf đã bắt đầu quan tâm, tạo điều kiện cho các cháu tới với golf. Tôi mong rằng sẽ ngày càng xuất hiện thêm nhiều sân chơi mới, để các cháu có cơ hội được cọ sát, giao lưu, học hỏi.

Về việc đào tạo, phát triển golf thủ trẻ. Tôi cho rằng trước tiên phải tạo cho các cháu một môi trường chuyên nghiệp, rèn luyện cho các cháu ý thức kỷ luật, rồi truyền cảm hứng học và chơi golf cho các cháu. Để thực hiện được những công việc này, chúng ta cần các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Kinh nghiệm và kỹ năng của họ sẽ giúp tìm ra những định hướng đúng cho quá trình phát triển của các golf thủ trẻ.

Phạm Quang Vinh (Công ty Pham & Partner)

Tôi nghĩ, phát triển golf trẻ là một cơ hội để cộng đồng golf Việt Nam có thể đi đúng con đường lẽ ra chúng ta phải đi từ nhiều năm nay. Ví dụ, việc tập luyện đúng cách và nghiêm túc, chơi golf đúng luật và lịch sự, ứng xử với bạn chơi bằng một thái độ lịch thiệp và ngay thẳng, theo đuổi môn chơi vì niềm vui với môn thể thao này, đúng với tinh thần của môn golf.

Đáng tiếc, tôi cảm thấy chúng ta đang đi sai đường trong việc phát triển golf trẻ khi nôn nóng với thành tích và vụ lợi mà quên mất việc phát triển đúng cách mới là quan trọng. 

Chúng ta nên quan tâm đến việc cùng hợp tác với nhau, thay đổi cách nhìn nhận và hỗ trợ cho golf trẻ từ chính những người chơi golf Việt Nam. Thay vì việc cảm thấy khó chịu khi trẻ em lên sân, chúng ta hãy là tạo nhiều cơ hội cho các cháu ra sân chơi với mức giá hợp lý chứ không phải phải trả một mức phí ngang với người lớn như hiện nay. Chúng ta cần phát triển golf trẻ như là nền tảng cho cộng đồng chơi golf mai này, không vì vụ lợi trước mắt, không vì những thành tích, mà đôi khi phải nói thẳng là hão huyền.

Nguyễn Thái Dương (Hanoi Golf Academy)

Nhớ lại thời gian mới làm quen với golf, thế hệ của chúng tôi lúc đó không có một hình mẫu golf thủ để hướng tới. Ngoài ra, số lượng golf thủ trẻ ở Hà Nội vào thời điểm đó cũng không nhiều, ngoài tôi và Phạm Minh Đức, chỉ có thêm một số bạn chơi cùng lứa tuổi khác. Yếu tố chúng tôi thiếu là môi trường luyện tập và định hướng phát triển. Còn thế hệ golf thủ trẻ hiện tại được thừa hưởng nhiều điều kiện thuận lợi hơn thế hệ của chúng tôi khi phong trào golf tại Việt Nam đã phát triển hơn, nhiều sân golf mới đi vào hoạt động. Nhiều gia đình có điều kiện cũng đầu tư cho con em đi học chơi golf, các golf thủ trẻ tài năng giờ được định hướng rõ ràng hơn, các em có thể chọn Thái Lan, Mỹ hay Úc là điểm đến để tiếp tục theo đuổi con đường golf chuyên nghiệp.

Thời gian học và tập luyện golf ở Mỹ, tôi được biết đất nước này sở hữu tới hơn 17.000 sân golf. Trong đó, có nhiều sân công cộng có phí chơi rất thấp, từ những người có thu nhập thấp, sinh viên cho tới trẻ em đều có thể chơi được. Ngoài ra, nước Mỹ sở hữu hệ thống đào tạo thể thao số 1 thế giới. Việc học văn hóa ở đây luôn kết hợp song song với chơi thể thao. Điều này khác hoàn toàn so với hệ thống giáo dục và đào tạo thể thao ở Việt Nam, khi mỗi cá nhân phải lựa chọn giữa việc học và theo đuổi con đường thể thao. Các vận động viên thể thao ở Mỹ nói chung và vận động viên golf nói riêng đều được trang bị một nền tảng kiến thức văn hóa – xã hội rất tốt. Đây là một yếu tố quan trọng trong golf, một môn chơi mang tính khoa học và có nhiều điều luật phức tạp.

Năm 2014, tôi quyết định thành lập Học viện Golf Hà Nội (Hanoi Golf Academy) với mong muốn đào tạo, phát triển các golf thủ trẻ. Hiện tại, học viện vẫn tổ chức các lớp học golf miễn phí cho các golf thủ nhí nhằm thu hút nhiều em nhỏ tới với golf hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham gia hỗ trợ đội tuyển golf trẻ Hà Nội trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng chơi golf cho các em.

Chu Ánh Hồng (Mẹ golf thủ Amy Chu Thủy Tiên)

amy_chu_thuy_tien

Golf là một môn thể thao tốn kém và mất thời gian nên không có nhiều cha mẹ ở Úc đầu tư cho con em mình theo đuổi môn thể thao này. Những môn thể thao phổ biến ở Úc là Crích-kê, bóng đá, bóng bầu dục, bơi lội, quần vợt. Theo thống kê có khoảng 7% người dân ở Úc chơi golf. Chưa có thống kê chính thức theo nhóm tuổi, nhưng chắc chắn số lượng trẻ em trai tham gia chơi golf nhiều hơn gấp 10 lần so với các trẻ em gái. Đa số các golf thủ trẻ tiềm năng ở Úc có gốc gác là người Hàn Quốc, các em bắt đầu chơi golf vào năm 8 hoặc 9 tuổi. Amy là golf thủ nữ gốc Việt duy nhất ở Úc nằm trong nhóm những tay golf trẻ hàng đầu ở quốc gia này.

Amy mơ ước trở thành golf thủ chuyên nghiệp sau khi học xong trung học, cháu muốn tiếp bước của hai người bạn, đồng thời là thần tượng của cháu: Minjee Lee và Ryan Ruffles. Tuy nhiên, Amy sẽ không vội vã quyết định ngay mà sẽ đánh giá lại mọi việc sau năm lớp 12 rồi mới đưa ra quyết định của mình. Nếu lúc đó cháu đã sẵn sàng, cháu có thể trở thành golf thủ chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu Amy cần thêm thời gian để tập luyện và phát triển kỹ năng, cháu sẽ lấy học bổng đại học ở Mỹ. Dù cháu chọn con đường nào, chúng tôi đều ủng hộ cháu.

Hồ Thị Phương Thảo (Mẹ golf thủ Đặng Quang Anh)

Quang Anh bắt đầu chơi golf từ năm 5 tuổi, còn Minh Anh làm quen với môn golf năm 4 tuổi. Song môn thể thao đầy tiên mà Quang Anh được học là môn tennis do ba cháu vốn là cựu vận động viên quần vợt chuyên nghiệp. Sau khi học quần vợt được 1 năm, Quang Anh bắt đầu chuyển qua chơi golf do thấy ba chơi nên cháu muốn theo ba. Minh Anh thì đơn giản là đi chơi golf theo ba và anh hai Quang Anh.

Sau khi bắt đầu chơi golf, Quang Anh và Minh Anh đều tỏ ra rất thích thú và bất ngờ là cả hai anh em đều thể hiện rõ năng khiếu với môn thể thao này. Vì vậy, gia đình quyết định thay đổi định hướng cho hai cháu đi theo môn golf. Cùng với sự yêu thích, niềm đam mê và năng khiếu vốn có, Quang Anh và Minh Anh đã được nhiều huấn luyện viên chỉ dạy, đồng thời gia đình cũng tạo điều kiện cho 2 cháu đi thi đấu ở nhiều giải trong nước và quốc tế để có cơ hội học hỏi, cọ xát và nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm… 

Người thầy đầu tiên của Quang Anh và Minh Anh là cố tuyển thủ quốc gia Huỳnh Văn Sơn, chúng tôi luôn chân thành cảm ơn anh Sơn vì đã đào tạo, xây dựng cho hai con tôi những bước cơ bản đầu tiên khi mới đến với golf. Sau đó, các cháu được các huấn luyện viên người Malaysia, Úc và Thái Lan hướng dẫn. Vị huấn luyện viên người Thái Lan hiện tại đã đồng hành với hai cháu được hơn 1 năm. Thời gian nghỉ giữa học kỳ, chúng tôi thường sắp xếp đưa các cháu qua Thái Lan học hoặc cứ mỗi 2 tuần, huấn luyện viên sẽ qua Việt Nam hướng dẫn cho hai cháu. Ngoài ra, hàng ngày sau giờ học văn hóa ở trường, hai cháu đều ra sân tập và mỗi buổi tối trước khi đi ngủ cũng đều tập putt tại nhà.

Tuy đã đầu tư rất nhiều chi phí, công sức cho hai cháu học golf, song với gia đình chúng tôi, văn hóa là điều kiện quan trọng nhất để các cháu trưởng thành nên người, do đó chúng tôi hết sức quan tâm đến việc học của hai cháu. Chúng tôi giáo dục hai cháu theo truyền thống văn hóa gia đình mà ba mẹ tôi đã xây dựng nên

 

Nguồn: Vietnamgolfmagazine

Print Friendly, PDF & Email

TIN LIÊN QUAN

Thêm sản phẩm vào giỏ hàng thành công