Những cú swing đẹp luôn là một mục tiêu vươn đến của mỗi golfer, tuy nhiên để đạt được điều đó là không hề đơn giản. Chúng ta hãy cùng lắng nghe các golf thủ kể lại hành trình hoàn thiện cú swing của bản thân.
Vũ Thành Long – Mới tập golf
Trước khi cầm gậy golf, tôi đã xem rất nhiều clip ghi hình những cú swing mẫu của huấn luyện viên golf nổi tiếng thế giới David Leadbetter, những đoạn phân tích cú swing của các golf thủ hàng đầu thế giới. Do đó, có một thời gian, cách nhìn nhận của tôi về kỹ thuật chơi golf chịu nhiều ảnh hưởng từ những đoạn clip này. Chỉ tới khi bước vào sân tập, được huấn luyện viên hướng dẫn, tôi mới hiểu mỗi người có một có swing riêng và cú swing đó chịu ảnh hưởng bởi cơ địa, thói quen cơ bắp của mỗi người.
Từ đó, thay vì xem các clip mẫu, tôi tập trung tìm hiểu các kỹ thuật trong thực tế nhiều hơn, bắt đầu từ việc cầm gậy. Tôi luyện tập thường xuyên để hoàn thiện cú swing của bản thân. Nên bảo đảm rằng bạn cầm gậy với một lực vừa đủ, không quá lỏng cũng không quá chặt. Ngoài ra, nếu một tay kiểm soát gậy nhiều hơn tay kia thì bóng sẽ đi xoáy về bên trái hoặc bên phải. Golf thủ cầm gậy không đúng cách sẽ dẫn tới cú swing không chắc chắn, cổ tay bị cứng, tay trái bị cong lúc backswing (đối với người chơi bằng tay phải), điều này dẫn đến việc cơ thể không vững chắc, cú đánh bị mất lực.
Johny Clements – Golf thủ Anh
Khi mới làm quen với golf
Lúc mới làm quen với golf năm 12 tuổi, tôi nhìn động tác đánh bóng (Swing) có vẻ dễ dàng, nhưng khi bước vào thực hiện lại thấy mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Do không hiểu kỹ thuật swing, tôi đã có những tình huống đánh bóng mà đầu gậy đi sâu xuống mặt cỏ khá nhiều.
Khi mắc phải một lỗi quá nhiều lần, trong tâm trí tôi dần hình thành cảm giác sợ hãi, tôi sợ mình sẽ không có một cú swing tốt, sợ mình sẽ lại đánh xuống mặt cỏ. Cũng vì nỗi sợ này, khi tôi thực hiện động tác đánh xuống (DownSwing). Hai cánh tay của tôi hình thành một phản xạ tự nhiên là bị kéo lên sớm làm cho mặt gậy chỉ đánh trúng vào phần đầu bóng hoặc đánh trượt bóng.
Quá trình luyện tập
Sau khi lắng nghe những lời chia sẻ của cha tôi và một số người bạn của ông, nhưng người có nhiều kinh nghiệm chơi golf về việc làm sao để có hoàn thiện cú swing nhanh chóng, thì tôi mới hiểu là khi thực hiện động tác lên gậy (Backswing) chỉ được phép xoay cơ thể, xoay khớp gối, chứ không được dịch chuyển phần thân để lấy đà đánh bóng, đầu và cánh tay phải giữ ở ổn định ở một vị trí, việc thực hiện cú đánh cũng phải nhịp nhàng, không được đánh quá nhanh.
Tiếp đến, là động tác chuyển tiếp. Việc thực hiện động tác chuyển tiếp đúng sẽ giúp “nạp” thêm năng lượng cho cú swing.
Ở động tác chuyển tiếp này, phần trên và dưới cơ thể di chuyển ngược chiều nhau làm cho các cơ bị căng và xoắn nhiều hơn, tích lũy được lực nhiều hơn để tạo ra tốc độ và lực đánh lớn hơn cho cú downswing.
Ở cú dowswing, khi so sánh khoảng cách giữa khuỷu tay của tôi ở vị trí vào bóng và tại đỉnh của cú swing sau. Không gian này hầu như không tăng lên, điều này có nghĩa là cơ thể tôi xoay và cú swing tay là sự gắn kết tốt. Cánh tay của tôi vẫn cùng nhau và vẫn ở trước ngực.
Nếu tay của bạn tiếp tục swing ra sau sau khi bạn xoay điểm dừng, thì bạn phải làm chậm cơ thể ở cú downswing để cánh tay bắt kịp để đưa chúng trở lại mối liên hệ đúng. Bởi nó có thế gây những cú đánh trái nhau.
Ngô Quang Đức – Cựu du học sinh Mỹ
Dù kỹ thuật đọc green và gạt bóng quyết định tới 50% sự thành bại của một vòng golf, song kỹ thuật swing mới là kỹ thuật được nhiều golf thủ dành sự quan tâm đặc biệt. Trong số những yếu tố tạo nên kỹ thuật swing, tôi quan tâm tới cách cầm gậy, thế đứng, cách chuyển động của cơ thể khi thực hiện cú swing.
Những khó khăn khi thực hiện cú swing
Cơ thể quá cứng, nhất là cứng phần hông, dồn quá nhiều sức của phần thân vào cú đánh, không kiểm soát tốt nhịp độ chuyển động của toàn cơ thể trong quá trình swing sẽ dẫn tới những cú đánh không như ý. Về lâu dài, thậm chí có thể còn gây nên những chấn thương không mong muốn ở lưng, hông hoặc cổ. Qua tìm hiểu tài liệu, tôi được biết nhóm cơ bụng là một trong những nhóm cơ quan trọng nhất, toàn bộ xương sống được đỡ bởi cơ bụng. Các chấn thương về lưng đều bắt nguồn từ cú swing ngược – đánh từ trên xuống dưới.
Lời khuyên hữu ích
Lời khuyên của tôi dành cho mọi người mới tập golf đó là nên đăng ký tham gia một khoá tập golf cơ bản tại với huấn luyện viên các sân tập để nắm bắt được nguyên lý của kỹ thuật swing và những kiến thức tổng quát về golf. Lịch tập cũng cần được duy trì đều đặn từ 2 – 3 buổi/tuần, việc tập luyện cũng nên thực hiện một cách nghiêm túc, tập luyện được điều đặn xuyên suốt là điều rất quan trọng, vì môn golf rất nhiều thử thách, đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian rèn luyện đều đặn mới có được kết quả tốt.
Những người đã tập được một thời gian mà vẫn chưa có hiệu quả có thể nhờ những người chơi tốt hơn mình hướng dẫn, từ cách cầm gậy golf, tư thế đứng đánh golf, nhịp độ khi thực hiện động cú swing, vị trí đặt bóng. Dành thêm nhiều thời gian luyện tập trên sân tập và ra sân chơi cùng bạn bè sẽ giúp chúng ta hiểu và cảm nhận được cú swing của chúng ta tốt hơn, từ đó chúng ta có thể hoàn thiện cú swing của mình.
Phạm Đức Minh – ĐH Kinh tế Quốc dân
Bắt đầu tập golf
Tôi tập golf từ đầu năm 2013. Lúc đầu, tôi đến với golf do được bố rủ đi chơi và việc tập golf của tôi lúc đó chỉ với mục đích làm bố tôi hài lòng. Vậy nên, mỗi tuần tôi chỉ tập được 1 buổi, thời gian còn lại, tôi vẫn chơi bóng đá và game. Sau một lần lên sân golf Tam Đảo vào tháng 5/2013, tôi bắt đầu cảm thấy thích thú với khí hậu, cảnh quan trên sân golf, cũng như cách mọi người chơi golf. Điều này đã khiến tôi quyết tâm chinh phục môn chơi đầy thách thức này.
Tôi bắt đầu mua thành viên của sân tập Parklane từ tháng 6/2013, sau giờ học chính ở trường tôi đều tới sân tập. Lịch tập của tôi lúc đó là 5 – 6 buổi mỗi tuần, mỗi buổi như vậy tôi đều tập từ 300 – 400 bóng. Tuy vậy, trong gần 1 năm đầu chơi golf, tôi cảm thấy khá khó khăn, hầu như không hình dung được cú swing như thế nào.
Quá trình luyện tập
Có một thời gian dài tôi luôn đặt câu hỏi tại sao golf Việt Nam và golf thế giới lại có sự cách biệt nhiều như vậy. Vậy nên, tôi đã quyết tâm tập luyện golf thật bài bản để tìm hiểu xem có phải nguyên nhân là do phương pháp luyện tập của chúng ta có vấn đề không? Hiện tại, tôi đã tập luyện qua 1 huấn luyện viên người Việt Nam và 2 huấn luyện viên PGA Úc. Cá nhân tôi nhận thấy, mỗi huấn luyện viên đều có một trường phái cũng như cách tiếp cận swing khác nhau. Có người muốn swing phải đẹp, người khác lại muốn swing hiệu quả. Trong khi bản thân tôi muốn đạt được cả hai điều trên.
Nhiều người lo lắng việc tôi thay đổi nhiều huấn luyện viên như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới cú swing, song tôi lại không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi thời gian học giữa các huấn luyện viên cách khá xa nhau. Mặt khác, các huấn luyện viên đều chỉnh sửa phần cơ bản, còn cốt lõi của swing vẫn giữ nguyên. Việc được học nhiều huấn luyện viên như vậy giúp tôi thu được nhiều kinh nghiệm, chiến thuật và kỹ thuật, nhất là sau khi học tôi theo học 2 huấn luyện viên PGA úc. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục tập cùng một huấn luyện viên người Việt Nam để có swing tốt hơn.
Lời khuyên hữu ích
Theo tôi, có 3 yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới cú swing:
(1) Rhythm & Tempo: cần tempo chắc chắn thì khả năng đánh hỏng sẽ hạn chế, nếu hỏng cũng không rơi vào vị trí quá khó, vẫn có có khả năng cứu điểm Par.
(2) Mental Game: Tâm lý thi đấu rất quan trọng. Quá lo lắng vào cú đánh lên green, tự ti với cú đánh drive bị ngắn. Lí do này khiến nhiều người đánh cùng bạn bè thì có tâm lý thoải mái và có kết quả chơi rất tốt nhưng khi vào giải thì thường bị hỏng nhiều, số gậy over handicap rất nhiều .
(3) Sự đơn giản: Swing càng đơn giản càng hiệu quả . Loại bỏ những động tác thừa sẽ khiến cú đánh chắc chắn và đạt độ hiệu quả cao nhất, hạn chế rủi ro.
Trịnh Quang Dũng – Học viên Sgolf Academy
Giai đoạn 1
Tôi bắt đầu chơi golf từ năm 2015. Cây gậy đầu tiên mà tôi sử dụng là cây gậy số 7. Người dùng cây gậy này, nếu có impact tốt sẽ tạo ra một thứ âm thanh rất hấp dẫn và đường bóng bay đẹp mắt.
Nhưng sau một thời gian đầu tập luyện khá vất, tôi đã được bạn bè chỉ dẫn tới học golf căn bản tại SGolf Academy cùng huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Sơn. Lúc này, tôi được tập luyện nhiều hơn với cây gậy số 8, 9, P – những cây gậy có chiều dài ngắn hơn, dễ kiếm soát hơn, mặt gậy vào bóng dễ hơn, cho cảm xúc tốt hơn mà vẫn mang đến một khoảng cách tương đối tốt. Đây chính là trải nghiệm và thách thức đầu tiên đối với không chỉ riêng tôi, mà còn với nhiều người mới làm quen với việc tập kỹ thuật swing bằng những cây gậy khác nhau.
Những cú swing đầu tiên
Kết quả của những cú swing đầu tiên, khi bản thân chưa có một nền tảng kĩ thuật vững chắc là rất khác nhau. Nó như một cuộc chơi xổ số, khi người đánh không biết được tại sao đôi khi mình có những cú mình đánh thật tuyệt, nhưng nhiều khi lại không thể hiểu được đường bóng của mình bay đi đâu. Bây giờ, khi đã có thời gian xem lại những clip của mình quay vào thời gian đó, tôi cảm đó là một chặng đường gian nan nhưng đầy thú vị.
Giai đoạn 2
Sau giai đoạn 1 của những cú đánh có thể gọi là “làm quen với gậy và chuyển động” là giai đoạn đưa vào khuôn khổ kĩ thuật, khoảng 2 tuần sau khi làm quen. Thực sự đây là giai đoạn theo cá nhân tôi là giai đoạn gian khổ nhất, khó khăn và dễ gây nản nhất cho các golfer mới bắt đầu tập chơi.
Mọi tư thế đều lạ, đều dễ gây ra sự mỏi, căng, gần như 90 % đường bóng bị hỏng. Đã có những lúc tôi cảm thấy chán nản khi mình cứ cố giữ cho đầu ổn định ở một vị trí thì tay vung không đúng, giữ cho cú backswing thì bị lệch trụ.
Học tập từ nhiều nguồn
Tuy nhiên, sau một thời gian miệt mài tập luyện, tự quay lại clip, xem các video hướng dẫn trên youtube, đọc sách “Năm bài học” của Ben Hogan và đặc biệt dưới sự hướng dẫn của hai huấn luyện viên là anh Nguyễn Tuấn Sơn (SGolf Academy), anh Phạm Minh Đức (Pure Performance Coaching Center), tôi đã có được những cảm giác rất tự nhiên và mềm mại trong chuyển động swing của mình. Thời gian 1 năm chơi có thể là chưa dài, bản thân tôi tự đánh giá tôi mới chỉ vượt qua được giai đoạn làm quen với cú swing và bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Tiếp tục cố gắng
Tôi cố gắng rèn luyện đều đặn để biến cú swing của mình trở nên hoàn thiện hơn, mềm mại hơn và kiểm soát cú swing của mình một cách chủ động nhất. Rất nhiều việc phải làm, rất nhiều công sức cần phải bỏ ra nhưng tôi tin mỗi mốc đạt được trong việc rèn luyện như là một mục tiêu nhỏ trong việc chinh phục bản thân mà golfer khi đạt được có thể mỉm cười và tận hưởng nó một cách sảng khoái nhất.
Nguyễn Hoàng Nam – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam
Bắt đầu tiếp cận với golf
Tôi bắt đầu làm quen với golf từ cuối năm 2014. Tôi hay nghe bạn bè chỉ dẫn là nên bắt đầu tập chơi với cây gậy sắt số 7, nhưng với chiều cao khiêm tốn và tư vẫn của huấn luyện viên tôi đã chuyển qua tập cây gậy sắt số 8.
Ban đầu, tôi tập trung vào việc luyện tập động tác swing chứ không tập nhiều loại gậy ngay. Những cú swing đầu tiên đối với tôi hết sức lạ lẫm và thú vị, vừa khó vừa thách thức.
Yêu cầu để có một cú swing tốt
Tập kỹ thuật swing cần sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể, nhất là tay, hông, vai, đầu và chân. Thời gian đầu, do chưa có huấn luyện viên nên tôi học theo bạn bè, lao vào tập full-swing và gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, tôi đánh trượt bóng, đánh xuống đất nhiều do dùng nhiều sức với cơ thể cứng để đánh bóng. Sau khi tập luyện golf cơ bản cùng huấn luyện viên, tôi cảm thấy thấy dễ dàng hơn rất nhiều khi đã hiểu rõ về kỹ thuật swing.
Tôi bắt đầu tập từ mini-swing, tập impact tiếp xúc bóng cho tốt, sau dần dần mới được tập đến half-swing và giờ thì tôi đã tập được cú đánh full-swing khá tốt. Đến thời điểm hiện tại tôi đã chơi golf được hơn một năm, giữ được nhịp độ tập luyện đều đặn 2,3 tuần mỗi lần trên sân tập và lên sân thi đấu cùng bạn bè 2,3 buổi mỗi tháng. Tôi nhận thấy, golf là môn thể thao đòi hỏi sự kiên trì và tập luyện đều đặn, đặc biệt yếu tố tâm lý khi chơi là rất quan trọng để giúp có cú đánh swing hoàn thiện về kỹ thuật, tự tin và đẹp mắt.
Nguyễn Thanh Tùng – Công ty CP Đầu Tư và Phát Triển Liên Doanh Việt Nhật
Tôi bắt đầu tập golf khá muộn. Lúc đầu, tôi luyện tập với cây gậy số 8, 9 và gậy số 5 hybrid. Với tôi, những cứ swing đầu tiên rất khó khăn vì cơ thể của tôi không được mềm mại, nhất là phần hông rất cứng, chưa biết cách cầm gậy nên đôi bàn tay nắm gậy quá chặt. Nhưng khi đã hiểu và làm được thì tôi cảm thấy vô cùng hào hứng. Ban đầu, huấn luyện viên của tôi đưa cho những bài tập để giúp cơ thể mềm mại, giúp tôi hiểu được nguyên lý của cú wing, điều này giúp tôi định hình rõ tôi cần phải làm gì, tập trung vào điều gì khi mới bắt đầu tập.
Tiếp đó, tôi luyện tập những cú đánh nhỏ, chiping và pitching để luyện tập được dễ dàng, nắm bắt được về impact rồi mới đến những cú đánh vòng lớn hơn, mạnh hơn. Tôi thấy cái gì mới cũng đều găp khó khăn bỡ ngỡ, chơi golf cũng vậy, khi đã hiểu được tổng quan swing và có những bài tập hợp lý thì sẽ thấy hứng thú và nhiều động lực quyết tâm hơn, hào hứng hơn để chỉnh phục môn golf. Từ đó tôi tiếp tục luyện tập, để có cho mình một cú swing tốt và hoàn thiện nó hơn.
Trên đây Alegolf đã gửi tới quý golfer “Những hành trình hoàn thiện cú swing của bản thân” cũng như những câu chuyện xoay quanh hành trình đó. Rất mong rằng với bài viết này sẽ tiếp thêm động lực cho những người mới tiếp cận golf, giúp bạn từng bước vượt qua sự khó khăn để chinh phục môn thể thao này.
Nguồn: vietnamgolfmagazine