Alegolf xin được phép đưa lại bài viết về cuộc trò chuyện thú vị giữa VietnamGolf và ông Đỗ Văn Trắc – Chủ tịch CLB Chủ sân golf phía Nam, một CLB mới được thành lập. Nội dung chính của cuộc trò chuyện là về hoạt động của CLB và thực trạng phát triển của ngành công nghiệp golf Việt Nam.
Xin chúc mừng ông đã được bầu làm Chủ tịch CLB Chủ sân golf phía Nam (CLB). Ông có thể cho biết mục đích và cương lĩnh hoạt động của CLB?
Trân trọng cảm ơn lời chúc mừng của Quý báo. Tôi xin được tóm tắt tôn chỉ và mục đích hoạt động của CLB Chủ các sân golf phía Nam qua năm nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác chặt chẽ giữa các sân golf phía Nam. Thứ hai, phát triển và xây dựng môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực kinh doanh sân golf thông qua việc chia sẻ nguồn tài nguyên và đóng góp những ý kiến tốt. Thứ ba, cùng nhau nỗ lực trong vấn đề đàm phán và đẩy mạnh sự phát triển của bộ môn golf và coi nguồn thu nhập từ kinh doanh sân golf là một nguồn thu nhập du lịch quan trọng của Việt Nam. Thứ tư, củng cố và khẳng định môn golf là một môn thể thao phổ biến tại Việt Nam, góp phần đào tạo ra những golf thủ Việt Nam đủ trình độ thi đấu tại các giải golf quốc tế và Olympic. Thứ năm, cùng với Hội chủ sân Golf phía Bắc thành lập Hiệp hội Chủ sân golf Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện theo qui định của luật pháp Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập vào nền công nghiệp golf khu vực và quốc tế.
Nhiều golfer lo lắng CLB Chủ các sân sẽ khống chế sự cạnh tranh về giá, và như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người chơi golf, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đây là lo lắng không đúng. Tôi có thể khẳng định việc ra đời của CLB nhằm mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp hơn cho người chơi golf bởi mối quan hệ giữa các nhà đầu tư sân golf và khách chơi golf là quan hệ tương tác, hợp tác, bạn hữu. CLB Chủ các sân golf phía Nam ra đời với mong muốn kết hợp với các Hội golf, CLB golf, công ty lữ hành golf… cùng nhau đóng góp để ngành Công nghiệp golf Việt Nam ngày càng phát triển.
Việt Nam đang dần trở thành một nền kinh tề thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không thể khống chế sự cạnh tranh bởi cạnh tranh là động lực để phát triển. Tuy nhiên, các sân thuộc quyền quản lý của các chủ sân là hội viên của CLB sẽ vừa cạnh tranh vừa hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi cạnh tranh với nhau về các yếu tố dịch vụ như sân cỏ, caddie, xe điện, locker, dịch vụ ăn ở, lưu trú… Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo, bàn luận để giúp nhau cùng phát triển tốt hơn các dịch vụ này. Thông tin về các đợt khuyến mãi, lợi ích của hội viên các sân golf sẽ dần được minh bạch hóa. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với các sân golf tổ chức các giải golf với mục đích từ thiện, khuyến học…
Riêng về phí chơi golf, lấy ví dụ cho một vòng golf 18 hố, tôi nghĩ sẽ rất khó có thể tìm ra một mức giá thống nhất, vì mỗi sân ở mỗi vị trí thuận lợi, khó khăn khác nhau, điều kiện khí hậu, đi lại khác nhau, điều kiện kinh tế, đầu tư khác nhau dẫn tới các chính sách giá khác nhau. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn thông tin cho các golf thủ về chính sách thuế của Việt Nam hiện tại là rất cao, tổng các loại thuế là 36%. Vì vậy, giá cả hợp lý nên được hiểu là giá chia sẻ được giữa Chủ đầu tư và golfer, không thể có giá quá cao hay quá thấp, hy vọng cộng đồng golf thủ sẽ hiểu cho những khó khăn mà các sân golf hiện đang phải đối mặt. Chúng tôi chỉ mong rằng quan hệ giữa các sân golf và khách chơi golf là quan hệ hợp tác cùng có lợi.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng kinh doanh golf ở Việt Nam hiện nay? Những khó khăn, thách thức gì đang chờ đợi ngành kinh doanh golf ở Việt Nam?
Nếu nhìn vào bức tranh tổng quát của ngành du lịch Việt Nam, ngành kinh doanh golf hiện đang ở giai đoạn đầu phát triển. Tuy vậy, đây là một môn thể thao đang được ưa chuộng và ngày càng có sức hút tại Việt Nam. Sân golf là một trong những hạng mục công trình quan trọng để các khu nghỉ dưỡng lớn thu hút thêm nhiều khách du lịch, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh gần 30 sân golf đã đi vào hoạt động trên khắp cả nước, trong những năm gần đây, đã có khá nhiều sân golf quy mô lớn tiếp tục đi vào hoạt động nhưng việc đặt được chỗ chơi golf ở nhiều sân golf đẹp và được quản lý tốt trên khắp cả nước đôi khi vẫn gặp khó khăn. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng nhảy vào cuộc đua xây dựng và kinh doanh sân golf. Bước đầu họ cũng đã gặt hái được một số kết quả, số lượt người chơi golf ngày càng tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Mặc dù môn golf đã bắt đầu tạo ra sức hút lớn ở Việt Nam nhưng môn thể thao này vẫn chưa thực sự được cộng đồng công nhận như kỳ vọng. Vẫn còn không ít ý kiến cho rằng, golf là môn thể thao của người giàu, việc phát triển sân golf làm mất đi đất “bờ xôi ruộng mật”, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đẩy người nông dân vào cảnh mất kế sinh nhai; sân golf sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm nguồn nước; hiệu quả kinh tế của golf mang lại không đáng kể so với diện tích đất dành cho nó… Nên đa phần mọi người dành cho golf cái nhìn không mấy thiện cảm. Vậy nên, Nhà nước đã đặt ra cho các chủ đầu tư sân golf nhiều yêu cầu khó khăn, chặt chẽ và mức thuế kinh doanh rất cao. Thêm vào đó, khác với các dự án bất động sản, bán để thu lời. Đầu tư và kinh doanh sân golf phải lâu dài mới thu hồi được vốn, chỉ những nhà đầu tư thực sự mới đầu tư phát triển sân golf. Ngoài ra, chất lượng phục vụ của môt số sân golf ở Việt Nam chưa tốt, nhân viên còn thiếu chuyên nghiệp trong khi yếu tố con người thường sẽ tạo nên sự khác biệt và là điểm nhấn cho các sân golf: Caddie chỉ nói được tiếng Việt, thủ tục check-in và check-out chưa được quản lý bởi đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ tương xứng.
Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, golf Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nào? Chúng ta cần học hỏi những gì từ họ?
Golf Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu của sự phát triển, nền công nghiệp du lịch golf ở Việt Nam còn khá yếu. Tuy nhiên, các sân golf tốt ở Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh với các sân golf tốt nhất ở các nước láng giềng. Việt Nam chỉ thu hút được 35.000 khách chơi golf đến từ nước ngoài mỗi năm, chiếm khoảng 0.5% tổng lượng khách du lịch. Tỷ lệ này là quá thấp nếu so với các nước láng giềng, điển hình là Thái Lan đón 700.000 tay golf nước ngoài, chiếm khoảng 3% tổng số du khách.
Để nền công nghiệp du lịch golf phát triển đúng như kỳ vọng, chúng ta cần tập trung quảng bá mạnh mẽ, biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch golf Thế giới thông qua các phương tiện truyền thông, các chiến dịch quan hệ công chúng, các triển lãm và hội chợ thương mại quốc tế để người chơi golf trên khắp Thế giới biết đến chúng ta. Mỗi khu vực cần có ít nhất 3 sân golf chất lượng cao và có sự hợp tác giữa các sân tạo thành một khu du lịch golf, từ đó các golfer có thể thay đổi không gian chơi golf trong một chuyến du lịch. Các hãng hàng không nên thực hiện chính sách “túi golf miễn phí” giúp tăng số lượng người chơi golf trên các chuyến bay của mình và khuyến khích golfer nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưa thích của họ.
CLB sẽ đóng góp điều gì cho sự phát triển của môn golf ở Việt Nam? Liệu có thực sự cần thiết phải thành lập CLB Chủ các sân golf trên toàn quốc?
CLB sẽ góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ golf trong nước, rồi từ đó đưa golf Việt Nam vươn ra tầm quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, trao đổi giữa các sân golf trong khu vực. Đồng thời, CLB cũng sẽ đóng góp ý kiến trong việc xây dựng phong cách và văn hóa chơi golf với các tiêu chí thân thiện, lịch sự, bình đẳng, trung thực, nghiêm túc.
Việc thành lập CLB Chủ các sân golf trên toàn quốc là rất cần thiết vì thông qua đó sẽ tạo sự gắn bó, hợp tác, chia sẻ giữa các sân golf để cùng nhau phát triển theo một định hướng chung, có lợi cho các bên. CLB Chủ các sân golf trên toàn quốc sẽ đóng vai trò cầu nối giúp các sân golf dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan đến golf và nghành công nghiệp golf Việt Nam, góp phần đưa đất nước hội nhập với khu vực và Thế giới
Theo tạp chí golf Việt Nam