Đã bao giờ các golfer tự hỏi rằng “Vết lõm trên bề mặt trái bóng golf được tạo ra nhằm mục đích gì chưa?, Nói đơn giản thì nhờ các vết lõm trên bề mặt, bóng golf bay nhanh và xa hơn nhờ vào việc giảm thiểu lực cản và tối ưu lực nâng trong khí động học.
Khi một người chơi thực hiện cú đánh, thời điểm va chạm giữa gậy và trái bóng chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi. Khoảng thời gian đó rất quan trọng khi nó đủ sản sinh ra vận tốc, độ phóng và độ xoáy cho trái bóng. Dù vậy một khi thời điểm đó kết thúc và trái bóng văng lên cao, chính trọng lực và yếu tố khí động học quyết định nó bay được bao xa. Đó là lúc các vết lõm phát huy tác dụng.
Cụ thể các vết lõm – hay vân bề mặt trên quả bóng – sẽ quyết định đến tính khí động học của quả bóng. Vì thế việc bề mặt của quả bóng ra sao sẽ quyết định đến cách mà nó bay lên không trung. Chính nhờ việc đưa các vết lõm vào bề mặt bóng golf nhà sản xuất đã tạo ra một lớp không khí mỏng dính chặt vào bề mặt, nhờ đó giảm thiểu lực cản phía sau bóng và tạo ra lực nâng giúp bóng bay cao với tốc độ nhanh hơn.
Một golfer chuyên nghiệp đánh bóng có vết lõm sẽ bay xa gấp đôi so với bóng trơn. Giải thích khoa học về sự khác biệt lớn này như sau “Khi quả bóng bắt đầu bay lên cao, nó sẽ đẩy không khí ra khỏi đường đi và tạo nên một vùng hỗn loạn phía sau nó, nơi mà luồng không khí bị khuấy động và có áp suất thấp hơn. Chính vùng có áp suất thấp này đã gây ra lực cản vì nó hoạt động giống như vùng chân không, hút bóng về phía sau. Với việc tạo ra các vết lõm trên bề mặt, luồng không khí di chuyển qua bóng sẽ đi qua bóng dễ dàng hơn, đồng thời tạo ra một vùng không khí dính chặt với bóng để hạn chế vùng có áp suất thấp, nhờ đó lực cản được giảm đi đáng kể.”
Theo nghiên cứu, phần không khí bao quanh bóng được tạo bởi vết lỏm giúp cho lực cản giảm xuống còn một nửa so với bóng có bề mặt phầng, vì thế bóng có thể đi xa gấp đôi. Ngoài ra, khi quả bóng xoay ngược về sau, cạnh trên cùng quay theo cùng hướng với luồng không khí. Do ma sát, luồng không khí trên đỉnh được kéo bao quanh quả bóng và cả phần sau của nó. Tuy nhiên đáy của quả bóng lại đi ngược với với hướng di chuyển đó và 2 nguồn lực ngược chiều nhau đã tạo ra một khu vực có áp suất cao theo định luật 3 của Newton – hay còn gọi là hiệu ứng Magnus. Sự chênh lệch áp suất này đã tạo ra lực nâng và các vết lõm đã phát huy tối đa những hiệu ứng đó.
theo golfnews